Tổ Công nghệ số cộng đồng góp phần đem lại hiệu quả cho công tác chuyển đổi số
Nếu như trước đây, người dân phải đem theo tiền mặt đi chợ, đi mua các mặt hàng thiết yếu tại các điểm bán tạp hóa thì nay, rất nhiều người dân xã Nghĩa Kỳ đã sử dụng hình thức chuyển khoản khi mua hàng hóa thay bằng hình thức trả tiền mặt. Việc sử dụng hình thức thanh toán bằng quét mã QR đã góp phần cho việc thanh toán nhanh chóng hơn, đảm bảo an toàn hơn. Chị Trương Thị Vi, ở xã Nghĩa Kỳ cho biết, trước đây lúc nào tiền mặt cũng mang theo bên người khi đi mua nhu yếu phẩm, nhưng giờ đây, hầu hết các điểm bán tạp hóa trên địa bàn xã đều quét mã QR để thanh toán nên rất tiện lợi, nhiều nguy cơ rủi ro như mất cắp, đánh rơi cũng giảm.
Với rất nhiều lợi ích thì thanh toán không dùng tiền mặt đã làm thay đổi cách thức mua sắm của nhiều hộ gia đình. Người dân cũng rất hào hứng với hình thức thanh toán hoàn toàn mới này. Nắm bắt kịp thời xu thế, tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, một số quán tạp hoá, hộ kinh doanh trên địa bàn xã đã được các tổ CNSCĐ hướng dẫn hình thức thanh toán bằng mã QR, chuyển khoản, không dùng tiền mặt ngày càng nhiều. Đó là kết quả của quá trình vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương xã Nghĩa Kỳ mà sâu sát nhất, gần dân nhất là các tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn.
Ông Huỳnh Nhạ, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng thôn An Hội Nam 1 chia sẻ: Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn thời gian qua đã thực hiện việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình trong thôn, thông qua các cuộc họp ở KDC. Ông Nhạ cũng cho biết thêm, để trở thành tuyên truyền viên, các thành viên trong tổ phải thành thạo cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để hướng dẫn người dân các ứng dụng liên quan. Nhờ đó, rất nhiều hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thôn đã được tổ công nghệ số cộng đồng thôn tiếp cận với chuyển đổi số. Ông Huỳnh Nhạ chia sẻ: “Ban đầu khi triển khai các hoạt động tổ còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý bà con còn e ngại, nhưng các thành viên của tổ đã đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con Nhân dân cài đặt các ứng dụng công nghệ, nhờ đó nhiều người thực hiện theo”.
Đến thời điểm này, tất cả các thôn trên địa bàn xã Nghĩa Kỳ đều đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, mỗi tổ từ 07-10 thành viên. Sau gần 01 năm đi vào hoạt động, sự sáng tạo, nhiệt tình của các Tổ CNSCĐ đã giúp người dân hiểu và tin chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn cho bản thân họ trong cuộc sống, Tổ CNSCĐ đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ cho biết: “UBND xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở xã và 09 tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn. Trong đó lực lượng đoàn viên thanh niên và cán bộ công chức là lực lượng hạt nhân, truyền thông hướng dẫn về vấn đề chuyển đổi số quốc gia ở địa phương”.
Thanh niên là lực lượng quan trọng trọng góp phần vào công tác chuyển đổi số ở địa phương
Hiện nay, huyện Tư Nghĩa đã thành lập 94 tổ công nghệ số Cộng đồng, trong đó, 01 tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, 14/14 tổ cấp xã, thị trấn và 79/79 tổ cấp thôn, TDP với 659 thành viên để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Để tổ công nghệ số cộng đồng đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, thời gian đến, huyện Tư Nghĩa thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong công tác chỉ đạo thực hiện công tác Chuyển đổi số; mô hình tổ công nghệ số cộng đồng cần phải thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động chuyển đổi số các cấp. Chính quyền thực thi có hiệu quả các chủ trương lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số,....
Có thể khẳng định, hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng ở huyện Tư Nghĩa đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Bước đầu đem lại thành công cho công tác CĐS trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.
Lệ Hải