MỘT SỐ NÉT NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ HUYỆN TƯ NGHĨA NĂM 2024
Năm 2024 là năm thứ 2 liên tiếp huyện Tư Nghĩa được đánh giá đứng nhất về chuyển đổi số cấp huyện tỉnh Quảng Ngãi. Những kết quả và giải pháp mà huyện Tư Nghĩa áp dụng để duy trì công tác chuyển đổi số:
1. Về kết quả và Kinh nghiệm: Chuyển đổi số là một quá trình liên tục, đòi hỏi tinh thần kế thừa và cải tiến không ngừng nghỉ. Yêu cầu một loạt hành động từ chuyển đổi chuyên môn nghiệp vụ cho tới bổ sung đào tạo kỹ năng và truyền thông thay đổi nhận thức trong toàn bộ máy và xã hội, người dân. Tại huyện Tư Nghĩa, từ năm 2022 đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi số định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với kinh phí dự kiến trên 72 tỷ đồng.
- Để thực hiện các mục tiêu đề ra theo Đề án, UBND huyện đã được sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ của BTV Huyện ủy và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông.
- Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và địa phương để việc chuyển đổi số diễn ra thành công, người đứng đầu phải là người trực tiếp làm mới có thể hiểu và từ đó chỉ đạo – đây là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi số trong đơn vị.
- Được sự đồng hành, hợp tác, hỗ trợ của Viettel tỉnh Quảng Ngãi và VNPT Khu vực IV.
- Huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao chỉ tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 06/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Huy động sự tham gia đồng bộ từ các cấp: Việc thành lập 94 tổ công nghệ số cộng đồng với 659 thành viên đã giúp đảm bảo tính liên kết và triển khai chuyển đổi số đến từng xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố.
- Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến cấp huyện đạt 100%, cấp xã trên 99%, cùng với việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các trường công lập và nhiều tuyến đường, chợ không dùng tiền mặt tại các xã, thị trấn.
- Ứng dụng hiệu quả công nghệ vào quản lý: Các cơ quan đều đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản chữ ký số và các nền tảng số được các ngành triển khai, triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin. Đây là bước quan trọng trong xây dựng chính quyền số.
- Thường xuyên tuyên truyền thúc đẩy sự tiếp cận số của người dân.
- Phát triển hạ tầng số: 100% các xã, thị trấn được phủ sóng 4G và hoàn thành cắt sóng 2G, cáp quang, tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 65%, và tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh đạt trên 80% dân số.
2. Giải pháp chuyển đổi số huyện thời gian đến:
+ Xác định Chuyển đổi số là một công việc mới, do vậy người đứng đầu các cấp phải trực tiếp làm, chỉ đạo thúc đẩy nhanh công cuộc Chuyển đổi số cấp mình. Có như vậy Chuyển đổi số mới thành công.
+ Nâng cao năng lực và nhận thức về chuyển đổi số: Tăng cường tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ chuyển đổi số cho cán bộ, công chức cấp cơ sở, đặc biệt là các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp.
+ Tuyên truyền hiệu quả việc phổ biến các lợi ích và kỹ năng sử dụng dịch vụ số tới toàn dân, qua các phương tiện truyền thông và các buổi hướng dẫn trực tiếp.
+ Đầu tư mạnh vào hạ tầng số tại các cơ quan. Hạ tầng viễn thông và Internet: Tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận Internet cáp quang tăng cao và đảm bảo mọi vùng đều có sóng di động mạnh.
+ Phát triển hệ thống dữ liệu dùng chung: Đẩy nhanh việc xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan từ cấp huyện đến cấp tỉnh và quốc gia. Triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu về dân cư của Đề án 06.
+ Ứng dụng dữ liệu mở trong quản lý và điều hành để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng trợ lý ảo vào phục vụ cán bộ, công chức, viên chức.
+ Thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, Phổ biến các nền tảng số, Tăng cường áp dụng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
+ Ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực trọng yếu, phát triển thương mại điện tử, Hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
+ Giáo dục và y tế: Phát triển các nền tảng học trực tuyến, sử dụng sổ sức khỏe điện tử.
+ Quản lý hành chính: Đẩy mạnh số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
+ Bảo đảm an toàn thông tin: Đầu tư vào các thiết bị và giải pháp bảo mật như tường lửa. Đào tạo về an ninh mạng: Nâng cao kỹ năng bảo mật thông tin cơ bản cho cán bộ và người dân, nhất là trong việc sử dụng dịch vụ trực tuyến.