Tư Nghĩa chú trọng chuyển đổi số
Sau hơn 03 tháng kể từ khi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tư Nghĩa phối hợp với Viettel Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn xã Nghĩa Thuận và Nghĩa Điền, 02 địa phương này đã và đang tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để các đối tượng BTXH tham gia thực hiện chủ trương lớn này. Song song với việc tuyên truyền nội dung, tiện ích của việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho người dân trên các phương tiện truyền thông xã, thì các đối tượng BTXH chưa làm căn cước công dân, chưa thực hiện đăng ký định danh điện tử mức độ 02 cũng được Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với UBND xã rà soát và hướng dẫn thực hiện. Qua đó, các đối tượng BTXH đang được các địa phương cập nhật đẩy đủ thông.
Bước đầu thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt còn gặp khiều khăn, đó là các đối tượng hưởng chính sách BTXH chủ yếu là trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi... và số tiền hưởng chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, nên mới đầu, nhiều người băn khoăn, lo lắng cách sử dụng phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Tuy nhiên sau khi tuyên truyền, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, nhất là mở tài khoản cho người được ủy quyền và cấp mã số qua tin nhắn đã góp phần tăng tỷ lệ đối tượng tham gia.
Ông Bạch Trung Cầm- xã Nghĩa Thuận, năm nay 84 tuổi, là một trong những đối tượng đang hưởng chế độ người cao tuổi trên địa bàn xã Nghĩa Thuận. Ngày 10 hàng tháng, ông phải đến Bưu điện xã để nhận trợ cấp, việc đi lại rất vất vả đối với người tuổi cao như ông. Vì vậy, khi được mời tham dự Hội nghị triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn xã Nghĩa Thuận, ông rất hào hứng thực hiện mở tài khoản để nhận tiền trợ cấp. Ông Bạch Ngọc Cầm- xã Nghĩa Thuận cho biết: Nghe Nhà nước chủ trương thấy cũng có lợi, người đi nhận cũng dễ, nếu mình không nhận được thì con cháu đi nhận, nên rất tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Việc chi trả không dùng tiền mặt thực hiện dưới 03 hình thức, đó là làm thẻ ATM; cấp miễn phí tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để đối tượng ra đại lý ủy quyền để nhận tiền và quét mã QRCode tại điểm giao dịch để nhận tiền. Khi nhận tiền bằng các hình thức trên, người dân không đóng bất kỳ khoản phí nào. Lộ trình đến cuối năm 2023, huyện Tư Nghĩa sẽ thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt cho khoảng 10.000 đối tượng BTXH ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đây là quyết tâm của phòng LĐ-TB&XH huyện cũng như các địa phương trong công tác chuyển đổi số.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử, thay vì phải sử dụng nhiều loại giấy tờ cá nhân. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng công an huyện Tư Nghĩa và công an các xã, thị trấn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, quy trình, những lợi ích, hiệu quả của tài khoản định danh điện tử để người dân nâng cao nhận thức, tự giác đăng ký thực hiện; đồng thời tích cực triển khai cấp tài khoản định danh điện tử và hướng dẫn cài đặt và kích hoạt định danh điện tử mức độ 02 cho người dân. Không kể ngày lễ hay ngày nghỉ, những ngày qua, lực lượng công an huyện Tư Nghĩa phối hợp với công an các xã, thị trấn tiến hành cấp mã định danh điện tử và cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho công dân trên địa bàn huyện.
Thực hiện công tác chuyển đổi số, huyện Tư Nghĩa triển khai áp dụng Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice tại các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tỷ lệ văn bản xử lý trên môi trường mạng tại các cơ quan trên địa bàn huyện đạt 100%. Việc phát hành văn bản điện tử ký số đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo tính pháp lý của văn bản trên môi trường mạng, góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại, giấy tờ của các đơn vị; đã thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết trên môi trường điện tử, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc của các cơ quan Nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng số cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng huyện và Tổ công nghệ số cộng đồng 14 xã, thị trấn.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Thuận là 02 địa phương tiên phong của huyện phối hợp với Viettel Quảng Ngãi tổ chức buổi ký kết hợp tác triển khai mô hình điểm Chuyển đổi số - Thanh toán số. Với việc ký kết hợp tác, các xã sẽ thực hiện mô hình chuyển đổi thanh toán số bao gồm: Phát triển đơn vị thu chi hộ như thu hộ học phí, thu hộ tiền điện; hợp tác xây dựng điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money tại xã để phục vụ người dân; Xây dựng chợ, tuyến đường thanh toán số trên địa bàn xã; hợp tác chuyển đổi số các hạng mục thuộc khu vực công và hợp tác trong các hoạt động tuyên truyền, các hoạt động bán hàng tại chợ, nhà văn hóa, bán hàng hộ dân.
Về kết quả công tác chuyển đổi số cũng như nhiệm vụ trong thời gian đến, ông Đoàn Việt Vân – Huyện ủy viên, Phó chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện cho biết: Huyện đã phát hành văn bản điện tử ký số toàn trình, tất cả các cơ quan của huyện và UBND các xã, tuyên truyền người dân sử dụng tài khoản số để thanh toán trong các giao dịch điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt. Huyện Tư Nghĩa tổ chức Hội nghị tập huấn chuyển đổi số cho thành viên tổ công nghệ số.
Với những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số, năm 2022, huyện Tư Nghĩa vinh dự là huyện đứng đầu của tỉnh trong công tác chuyển đổi. Hy vọng thời gian đến, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn nỗ lực nâng cao hơn nữa chỉ số cải cách hành chính của địa phương.
Lệ Hải