Skip to Content

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TƯ NGHĨA

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm

29/04/2022 12:32    421

Bà Phạm Thị Bích Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Vụ Thảm sát thôn 2 – Nghĩa Lâm

Sáng ngày 29/4/2022, UBND huyện Tư Nghĩa tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm. Di tích Vụ thảm sát Thôn 2 – Nghĩa Lâm là chứng tích tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, sự hy sinh anh dũng, kiên cường, không khoan nhượng trước kẻ thù, giữ vững mục tiêu đấu tranh trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Nhân dân xã Nghĩa Lâm nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung; là nơi ghi dấu, phản ánh tình cảm của Nhân dân xã Nghĩa Lâm và huyện Tư Nghĩa đã hết lòng giúp đỡ, chăm lo, che chở cán bộ, chiến sĩ về nhiều mặt, kiên quyết đấu tranh giữ xóm, giữ làng, bảo vệ quê hương đất nước. Di tích Vụ thảm sát thôn 2 - xã Nghĩa Lâm để lại những bài học có giá trị về lòng yêu nước, đạo đức cách mạng của những người con vùng đất này. Phát huy lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

 

Về dự buổi lễ, ở tỉnh có ông Đặng Tấn Khôi – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Ngãi; ông Nguyễn Viết Nghĩa – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi; ông Lương Kim Sơn – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Sơn. Về phía huyện có bà Phạm Thị Bích Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện; ông Đoàn Việt Vân – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Đặng Văn Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tư Nghĩa; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, UBMTTQVN và các phong ban, hội, đoàn thể của huyện. Đại diện xã Nghĩa Lâm có ông Huỳnh Cao Trung – Bí thư Đảng ủy xã; ông Võ Tấn Bông - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; ông Lê Văn Bảy – Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã, các hội, đoàn thể của xã, lãnh đạo xã Nghĩa Lâm qua các thời kỳ. Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 2 cũng về dự đông đủ.

Đại biểu dâng hương tại Đài tưởng niệm

Tại buổi lễ, bà Phạm Thị Bích Lệ – Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tư Nghĩa đã trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm cho đại diện lãnh đạo xã Nghĩa Lâm.

Ông Huỳnh Ngọc Thuận – Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện đọc Quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm.

Theo lịch sử, giai đoạn từ năm 1959 -1963, Nghĩa Lâm là vùng căn cứ lõm, đảm bảo việc đi lại, ăn ở, chỉ đạo của huyện, tạo điều kiện cho các lực lượng hoạt động đi sâu vào lòng địch. Lực lượng các cơ sở cách mạng rất đông đảo, từ người già đến trẻ con, trong đó điển hình là Nguyễn Bổng (15 tuổi), Nguyễn Kẽm ở thôn 3, Lê Thị Quyên (14 tuổi) ở thôn 1. Để truy bắt bằng được cơ sở cách mạng, đội ngũ liên lạc, địch cho người theo dõi và ra lệnh bắt tất cả các em thiếu niên trong xã mà chúng nghi ngờ làm cơ sở cách mạng. Từ mờ sớm của những ngày cuối tháng 10 năm 1964, địch bất ngờ ập đến nhà của các thanh, thiếu niên trong làng để vây bắt, trong đó có Nguyễn Bổng, Nguyễn Kẽm, Lê Thị Quyên. Không thể khuất phục được ý chí ngoan cường của các thiếu niên, địch quyết định xử bắn 3 em nhằm uy hiếp tinh thần của Nhân dân, mục đích làm cho khiến người dân khiếp sợ “không làm cộng sản nữa”.

Trước tội ác dã man của địch, ngày 04/4/1964, Nhân dân xã Nghĩa lâm đã tổ chức biểu tình lên án các hành động bắt bớ, giết người vô tội. Địch điều động 1 trung đội bảo an, 2 trung đội dân vệ điên cuồng, đồng loạt xả súng, bắn thẳng vào đoàn biểu tình. Vụ thảm sát làm chết tại chỗ 45 người (21 em thiếu niên, 24 phụ nữ, trong đó có nhiều chị mang thai) và 150 người bị thương.

Ông Đoàn Việt Vân – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ

Di tích Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm tọa lạc tại xóm Gò, làng Phước Lâm, xã Tư Phước, quận Tư Nghĩa, nay là thôn 2, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa.

Ông Lê Văn Bảy – Phó Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã phát biểu tại buổi lễ

Di tích có diện tích tổng thể hơn 2.300m2, gồm các hạng mục công trình: tượng đài, phù điêu, sân vườn và tường bao. Di tích Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm đã được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng các hình thức bia ghi dấu sự kiện lịch sử, đài tưởng niệm thể hiện đầy đủ các giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị mỹ thuật, là địa điểm giáo dục, tuyên truyền truyền thống cách mạng, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong Nhân dân.

Sau thời gian dài hoàn thiện các thủ tục, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định 908, ngày 25/6/2021 công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tình đối với Vụ thảm sát thôn 2 - Nghĩa Lâm.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Việt Vân – Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Lâm nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của Di tích, ghi nhớ và tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Nghĩa Lâm.

Đài tưởng niệm Vụ thảm sát thôn 2 – Nghĩa Lâm

Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu, đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân, quyết tâm xây dựng xã Nghĩa Lâm nói riêng và Tư Nghĩa nói chung phát triển toàn diện.

Lệ Hải

ipv6 ready