Truy cập nội dung luôn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TƯ NGHĨA

Tư Nghĩa bước đầu thực hiện Chuyển đổi số

10/10/2022 08:36    140

Lãnh đạo huyện Tư Nghĩa và đại diện Viettel Quảng Ngãi ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi số là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba nhiệm vụ đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”. Với tầm quan trọng ấy, Chính phủ đã lấy ngày 10.10 hàng năm là Ngày công nghệ số. Năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Cùng với xu thế ấy, UBND huyện Tư Nghĩa đã chủ động xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, trong đó có Kế hoạch số 18, ngày 11/02/2022 về việc phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số huyện Tư Nghĩa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời huyện Tư Nghĩa cũng đã xây dựng đề án phát triển chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số huyện Tư Nghĩa đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Với những kết quả bước đầu cho công tác chuyển đổi số được đánh giá trong đề án như: UBND huyện đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng văn phòng một cửa cung cấp các dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp từ năm 2015 rất thuận lợi. Ứng dụng phần mềm tác nghiệp trong quản lý và điều hành để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ và phục vụ công tác khác như phần mềm kế toán, quản lý CBCCVC, đất đai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phần mềm bảo hiểm xã hội…Triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc về lĩnh vực BHXH; bước đầu triển khai chữ ký số chứng thực điện tử trong công tác quản lý phát hành văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện trên hệ thống phần mềm Ioffice, thanh toán chứng từ điện tử qua hệ thống thuế…Hoạt động của Trang thông tin điện tử luôn được cập nhật đầy đủ…

Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân

Đề án phát triển chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số huyện Tư Nghĩa đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 gồm có các giai đoạn: hoàn thiện quy chế, quy định; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng hệ thống; phát triển dữ liệu; phát triển ứng dụng dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và mục tiêu kinh tế số, xã hội số. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022-2023 đó là: xây dựng đề án chuyển đổi số huyện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; ưu tiên triển khai các hạng mục phục vụ tổng hợp dữ liệu điều hành, giám sát giao tiếp giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, số hoá tài liệu để hình thành nên kho dữ liệu dùng chung của huyện; lập dự án đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống đường truyền, trang thiết bị CNTT, trung tâm điều hành thông minh của huyện; xây dựng triển khai thực hiện một số ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn của các phòng, ban ngành đoàn thể; xây dựng các ứng dụng phục vụ người dân truy cập dịch vụ của chính quyền…

Lễ khai trương phòng họp không giấy E-cabinet tại huyện Tư Nghĩa

Vừa qua, UBND huyện Tư Nghĩa và Viettel Quảng Ngãi – Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel cũng đã tổ chức ký kết  thỏa  thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 và khai trương phòng họp không giấy E-Cabinet tại UBND huyện. Tại buổi lễ, hai bên đã thỏa thuận và đi đến thống nhất ký kết hợp tác, hỗ trợ, huy động sự tham gia của các bên nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, ưu tiên ứng dụng trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công mức độ cao, hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện trên diện rộng.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực trọng yếu: y tế thông minh, Giáo dục thông minh, an toàn thông tin, giao thông, du lịch, hành chính công… Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ tối đa nhu cầu của Nhân dân. Cụ thể: phối hợp hỗ trợ xây dựng Đề án chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của Huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng triển khai thành công các hạng mục trong kế hoạch số 18, ngày 11/02/2022 của Huyện; lĩnh vực Chính quyền số và Đô thị Thông minh; phòng họp không giấy; phát triển chuỗi cung ứng cho các sản phẩm OCOP; phát triển sản phẩm, dịch vụ Cloud…

Cũng tại buổi ký kết, UBND huyện Tư Nghĩa, Sở Thông tin và Truyền thông và Viettel Quảng Ngãi cũng nhấn nút chính thức khai trương phòng họp không giấy E-Cabinet tại UBND huyện Tư Nghĩa.

Hệ thống E-Cabinet là hệ thống phòng họp không giấy tờ, xử lý công việc và lấy ý kiến trực tiếp trên thiết bị thông minh. E- Cabinet là giải pháp nhằm giảm thiểu văn bản, giấy tờ hành chính trong phòng họp, đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Đồng thời tạo ra môi trường tương tác đa chiều và tức thời, giúp người dùng có thể chia sẻ thông tin, trao đổi và phản hồi dễ dàng. Nhờ vậy, mọi vấn đề được xử lý nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả. Đó là những thành quả bước đầu trong tiến trình xây dựng chính quyền số tại huyện Tư Nghĩa.

Tham quan và hướng dẫn phần mềm E-Cabinet phòng họp không giấy tại huyện Tư Nghĩa

Song song với đó, huyện Tư Nghĩa cũng đã triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ( gọi tắt là đề án 06). Qua đánh giá bước đầu đã đạt được những kết quả khích lệ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện tốt. Theo đó, Công an huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện. Phối hợp với ngành Giáo dục rà soát, lập danh sách, tổ chức thu thập hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử, cung cấp định danh cá nhân, tổ chức thu nhận hồ sơ cho học sinh, nhất là học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm học 2021- 2022. Phối hợp với Trung tâm Y tế trong việc rà soát, xác minh tiêm chủng Covid-19 cho các đối tượng trên địa bàn, phối hợp với ngành LĐ-TB&XH lập danh sách các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo để tiến hành cấp CCCD kèm định danh điện tử, phục vụ công tác chi trả chế độ chính sách. Về triển khai dịch vụ công: huyện Tư Nghĩa đã được cung cấp 07 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp huyện và 11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã trên cổng dịch vụ công của tỉnh; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phận một cửa huyện được trang bị đầy đủ; trong 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã thực hiện các dịch vụ như: đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn và liên thông đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi chi nhánh Tư Nghĩa thực hiện dịch vụ đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận,…

Việc thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu: UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 201 ngày 31.12.2021 về việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.

Đối với kết quả triển khai quy trình làm sạch dữ liệu thông tin tiêm chủng theo văn bản hướng dẫn số 2622 tháng 4.2022 của Bộ y tế, kết quả triển khai công văn số 933, ngày 28.2.2022 của Bộ y tế về sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả.

Để chuyển đổi số đạt kết quả theo lộ trình đã đề ra trên địa bàn  huyện, cần có sự đồng hành, vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, phát huy vai trò của người đứng đầu; phải xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, của doanh nghiệp trong việc thực hiện các kế hoạch hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số.

Chương trình, chiến lược định hướng chuyển đổi số đến năm 2030 là cả một chặng đường dài nếu mỗi năm các cấp chính quyền không cố gắng, không nỗ lực thì các nhiệm vụ cụ thể khó mà hoàn thành. Vì thế, rất cần sự chung tay của toàn dân, các cơ quan, doanh nghiệp cùng phối hợp, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện chương trình này, góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra.

Hồng Vân

ipv6 ready