Truy cập nội dung luôn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TƯ NGHĨA

Sắc xuân ở huyện Tư Nghĩa

29/01/2020 15:30    292

Về thăm huyện Tư Nghĩa mùa xuân này, chúng ta dễ dàng nhận thấy vùng quê năm nào, nay đã bừng sáng hơn trước. Đó chính là nhờ vào chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, mà huyện Tư Nghĩa hôm nay đã thật sự khởi sắc, bức tranh làng quê càng thêm diện mạo khang trang, sạch đẹp.

Tư Nghĩa là huyện đồng bằng, có địa hình trung du nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Quảng Ngãi. Huyện Tư Nghĩa có 13 xã và 2 thị trấn. Diện tích tự nhiên 20.550 héc ta; dân số 131.612 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số H’re là 2.427 người, phân bổ tại 2 xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Thọ.

Các khu dân cư trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đều được trồng hoa 2 bên lề đường tạo cảnh quang 

Tư Nghĩa cũng là vùng đất đã hứng chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh và bao năm qua, vùng đất này còn là “rốn lũ” của Quảng Ngãi, nơi phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Cứ mỗi một trận mưa bão dội về thì người dân Tư Nghĩa lại bị chìm trong biển nước, mất mát nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Nhưng rồi, trong cái khó ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tư Nghĩa đã đồng sức, đồng lòng vượt khó vươn lên. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về các cơ chế, chính sách và sự nỗ lực từ nội lực của địa phương thì khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chủ trương đầu tư, trong đó, tỉnh Quảng Ngãi chọn huyện Tư Nghĩa là một trong 2 huyện điểm xây dựng huyện nông thôn mới đã thật sự  tạo thế và lực cho Tư Nghĩa bừng sáng, đẩy lùi những khó khăn bao năm.

Người dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế

Xác định xây dựng nông thôn mới điểm nhấn quan trọng vẫn là ưu tiên cho hạ tầng nông thôn. Có hạ tầng tốt sẽ là bàn đạp để địa phương bứt phá đi lên, sớm thành công trong xây dựng nông thôn mới. Vì lẽ đó, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Tư Nghĩa luôn dành nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Điện, đường, trường, trạm, kênh mương thủy lợi cùng nhiều công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân được đầu tư xây dựng kiên cố.

Trường lớp học được đầu tư xây dựng khang trang

Trong 8 năm qua ( từ năm 2010 đến năm 2018), huyện Tư Nghĩa đã huy động trên 1.707 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong số này, địa phương đã dành nguồn lực lớn để đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công cùng thực hiện vì cái chung. Không ít doanh nghiệp cũng đã về vùng nông thôn đầu tư phát triển các dự án công nghiệp, du lịch. Nhờ đó, bộ mặt làng quê nông thôn đã có những thay đổi vượt cả sự mong đợi.

Từ chương trình Nông thôn mới, người dân chọn những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ở Bãi Dừa giờ đã có Khu du lịch nghỉ dưỡng Cocoland River Beach Resort & Spa nằm trong lòng phố cổ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa. Ở xã Nghĩa Thuận, Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm bùn suối nước nóng Nghĩa Thuận, khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi cũng đã hình thành đi vào hoạt động. Bộ mặt làng quê nông thôn Tư Nghĩa chuyển mình, khoác lên một diện mạo mới.

Con đường bê tông khang trang giờ đã hiện hữu ở xóm 1, thôn An Tân, xã Nghĩa Thắng. Giấc mơ của những người nông dân ở làng quê này giờ đã trở thành hiện thực. Ngày trước, con đường này chỉ là đường đất, rộng chưa đầy 2 mét. Nhưng rồi nông thôn mới về làng, được tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ đá, hơn 60 hộ dân nơi đây đã tình nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp ngày công để xây dựng được con đường khang trang trải dài tít tắp. Hôm nay, được đi trên con đường sạch đẹp mang diện mạo tươi sáng của nông thôn thì ai cũng cười rạng rỡ. 

Ngoài cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện Tư Nghĩa đã có cách làm khá đặc biệt đó là hỗ trợ hàng trăm ngàn mét khối đá cho các địa phương trong đầu tư giao thông nông thôn. Cách làm này đã giúp cho 100% xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, tạo điều kiện cho các xã về đích nông thôn mới đúng tiến độ.  

 

Mô hình trồng rau sạch ở xã Nghĩa Hòa

Tính đến cuối năm 2018, Tư Nghĩa đã thực hiện dồn điền đổi thửa trên 401 ha, triển khai được hơn 65 mô hình cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng năng suất vụ mùa bình quân mỗi cánh đồng đạt 65-75 tạ/ha, giá trị thu nhập của mô hình cánh đồng lớn đạt 90 triệu đồng/ha/năm. Những mặt hàng nông sản, những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề chủ lực của Tư Nghĩa ngày càng tạo dựng được vị thế trong thị trường nông sản. Nông thôn mới thật sự đã tạo cơ hội cho nông dân Tư Nghĩa, giúp họ thay đổi mô hình làm ăn với quy mô bài bản, bền vững hơn.

Khi xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới thì cũng là lúc anh Nguyễn Tấn Phụng quê ở xã Nghĩa Hòa quyết định đứng ra thành lập hợp tác xã có tên gọi Hợp tác xã nông nghiệp rau sạch Mầm Việt. Anh cùng các xã viên đã gầy dựng một hợp tác xã ăn nên làm ra và dần tạo thương hiệu trên thị trường rau sạch trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi.

Đường làng, ngõ xóm ở huyện Tư Nghĩa khang trang, sạch đẹp nhờ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới

Nhờ những tác động tích cực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tư Nghĩa trong việc quyết tâm đưa địa phương trở thành huyện nông thôn mới nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tư Nghĩa trong những năm qua liên tục phát triển, cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 13.774 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế ngành Nông - lâm - thủy sản chiếm 15,8%; Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 44,9%; Thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 39,3%, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện giai đoạn 2010-2018 đạt 15%-16%. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2011 chỉ đạt 11,5 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018 đạt 35,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của Tư Nghĩa là 16,54%, nhưng đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,46 %. Điều đặc biệt hơn nữa là sau 8 năm phấn đấu và xây dựng, đến nay, huyện  Nghĩa có 13/13 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Huyện cũng đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. 

 

Nhà sinh hoạt văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang

Ông Nguyễn Đức Hiệp - Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tư Nghĩa cho biết: Huyện Tư Nghĩa đang tiếp tục nối tiếp thành công từ xây dựng nông thôn mới xuyên suốt trong 8 năm qua để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu: Giữ vững 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng hoàn thành 13/13 xã có khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; xây dựng 1-2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; không còn nhà tạm, đột nát, tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định trên 90%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% trở lên;  tỷ lệ thu gom rác tập trung đạt trên 80%; tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; đảm bảo lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1%.

Huyện nông thôn mới giờ đã nên hình nên hài trên vùng đất Tư Nghĩa. “Hình hài ấy” được dệt nên bằng mồ hôi, bằng công sức, bằng sự chung lưng đấu cật cho một hành trình dài xây dựng nông thôn mới từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tư Nghĩa. Tư Nghĩa mai này sẽ còn có những đột phá, còn có những đổi thay, đời sống của đại bộ phận người dân sẽ còn tiếp tục được nâng cao, no ấm đủ đầy khi Tư Nghĩa được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. 

                                                                                      Hà My

 

 

ipv6 ready