Truy cập nội dung luôn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TƯ NGHĨA

Lịch sử hình thành
 

TƯ NGHĨA là huyện đồng bằng ven biển nằm ở vùng trung tâm tỉnh, bao quanh thành phố Quảng Ngãi. Phía bắc giáp thành phố Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh (qua sông Trà Khúc); phía nam giáp các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Minh Long; phía tây giáp huyện Sơn Hà; phía đông giáp biển Đông; Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua. Diện tích: 227km2. Dân số: 180.980 người (năm 2005). Mật độ dân số: 796,2 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 16 xã (Nghĩa Trung, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền, Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa, Nghĩa An, Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Phương, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phú); 2 thị trấn (Sông Vệ, La Hà huyện lỵ), với 103 thôn, tổ dân phố; trong đó:
Xã Nghĩa Trung có 6 thôn: An Hà 1, An Hà 2, An Hà 3, Phú Văn, Điền Trang, thôn La Châu, Tân Hội. Thời kháng Pháp có tên là xã Nghĩa Trang, sau năm 1975 tên xã mới đổi như ngày nay. Nghĩa Trung có địa danh Phủ Cũ là nơi đóng lỵ sở của phủ Tư Nghĩa xưa kia;
Xã Nghĩa Lâm có 8 thôn, gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 8. Xưa kia là làng Phước Lâm;
Xã Nghĩa Sơn có 2 thôn: thôn 1, thôn 2. Xã này vốn từ xã Nghĩa Lâm tách ra từ những thập niên cuối thế kỷ XX;
Xã Nghĩa Thắng có 8 thôn: An Tây, An Cư, An Lạc, An Nhơn, An Tráng, An Hòa Bắc, An Hòa Nam, An Tân;
Xã Nghĩa Thọ có 2 thôn: thôn 1, thôn 2. Xưa xã là thôn Phú Thọ;
Xã Nghĩa Thuận có 6 thôn: Nam Phước, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Nam, Mỹ Thạnh Đông, Phú Thuận, Phú Thuận Tây;
Xã Nghĩa Kỳ có 9 thôn: Xuân Phổ Đông, Xuân Phổ Tây, An Hội Bắc 1, An Hội Bắc 2, An Hội Bắc 3, An Hội Nam 1, An Hội Nam 2, Phú Sơn, An Bình. Trước 1945, là các làng Xuân Phổ, An Hội;
Xã Nghĩa Điền có 4 thôn: Điền Hòa, Điền Chánh, Điền An, Điền Long. Xưa kia, trước 1945, địa hạt xã là xã Nghĩa An. Trùng với tên một xã ở vùng biển ngày nay;
Xã Nghĩa Hà có 11 thôn: Hiền Lương, Khánh Lạc, Hội An, Hàm Long, Sung Túc, Thanh Khiết, Hổ Tiếu, Bình Đông, Bình Tây, Kim Thạch, Xuân An;
Xã Nghĩa Hòa có 4 thôn: Hòa Bình, Hòa Tân, Thu Xà, Hòa Phú;
Xã Nghĩa An có 6 thôn: Phổ An, Tân Mỹ, Phổ Trường, Phổ Trung, Phổ Thạnh, Tân An. Địa hạt Nghĩa An xưa kia là xã Phổ An, xã Cổ Lũy và Tân An;
Xã Nghĩa Thương có 11 thôn: La Hà 1, La Hà 2, La Hà 3, La Hà 4, Điện An 1, Điện An 2, Điện An 3, Điện An 4, Vạn An 1, Vạn An 2, Vạn An 3. Xưa kia là các làng La Hà, Điện An, Vạn An;
Xã Nghĩa Hiệp có 6 thôn: Đông Mỹ, Năng Xã, Năng Đông, Đồng Viên, Hải Môn, thôn Thế Bình (tên các thôn vốn là tên các làng xã xưa kia);
Xã Nghĩa Phương có 6 thôn: Năng Tây 1, Năng Tây 2, Năng Tây 3, An Đại 1, An Đại 2, An Đại 3. Xưa là các làng xã Năng Tây, An Đại;
Xã Nghĩa Mỹ có 3 thôn: Phú Mỹ, Mỹ Hòa, Bách Mỹ;
Xã Nghĩa Phú có 4 thôn: Cổ Luỹ Bắc (Vĩnh Thọ), Cổ Luỹ Nam, Cổ Luỹ Làng Cá, Thanh An (Phú Thọ);
Thị trấn Sông Vệ có 3 tổ dân phố: An Bàng, Vạn Mỹ, Sông Vệ. Vốn là một thị tứ đã có từ xưa.
Thị trấn La Hà (huyện lị) có 4 tổ dân phố, theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 4. Thị trấn La Hà cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi 4km về phía nam, trên Quốc lộ 1.
Huyện Tư Nghĩa do nằm ở vùng trung tâm tỉnh nên có vai trò quan trọng và gắn rất chặt với sự hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Phía tây giáp núi, phía đông giáp biển, phía bắc và phía nam giáp hai con sông lớn trong tỉnh (sông Trà Khúc và sông Vệ). Địa hình trải dài từ đông sang tây, eo thắt ở giữa.

Về hành chính, hai chữ Tư Nghĩa bắt nguồn từ tên hai châu Tư, Nghĩa xuất hiện từ đời nhà Hồ, chỉ chung cho vùng đất sau này là toàn tỉnh Quảng Ngãi, tức ngay khi đất Cổ Luỹ Động của Chiêm Thành chuyển thành một bộ phận của nhà nước phong kiến Đại Ngu năm 1402. Hai châu Tư, Nghĩa lúc này thuộc lộ Thăng Hoa, trong đó có vùng đất huyện Tư Nghĩa ngày nay.

Đời Lê, khi vua Lê Thánh Tông thiết lập thừa tuyên Quảng Nam năm 1471, đặt 3 phủ là Thăng Hoa (tương đương với tỉnh Quảng Nam ngày nay), Tư Nghĩa (tương đương với tỉnh Quảng Ngãi ngày nay), Hoài Nhơn (tương đương với tỉnh Bình Định ngày nay), thì địa bàn huyện Tư Nghĩa (ngày nay) nằm trong phủ Tư Nghĩa, với tên gọi là huyện Nghĩa Giang.

Từ đời Lê Trung hưng đến đời Nguyễn, địa bàn huyện Tư Nghĩa ngày nay mang tên là huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, bao gồm cả phần đất phía tây bắc sông Vệ của huyện Nghĩa Hành ngày nay.

Năm 1890 (Thành Thái năm thứ 2), huyện Chương Nghĩa đổi thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời vùng đất phía tây bắc sông Vệ hình thành châu Nghĩa Hành (chữ Nghĩa trong địa danh Nghĩa Hành chính là lấy từ chữ Tư Nghĩa). Phủ Tư Nghĩa lúc này có 5 tổng với 67 xã thôn, bao gồm cả vùng đất ngày nay là thành phố Quảng Ngãi.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong một thời gian ngắn phủ Tư Nghĩa đổi tên là phủ Nguyễn Thuỵ (tên nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Ngãi(2)). Đầu 1946, cấp tổng được bãi bỏ, các làng xã cũ hợp thành xã mới, phủ đổi thành huyện. Huyện Tư Nghĩa lúc này có 12 xã đều lấy chữ Nghĩa làm đầu: Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Trang, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà.

Sau khi tiếp quản tỉnh Quảng Ngãi, cho đến giữa năm 1958, chính quyền Sài Gòn đổi đặt các xã trong huyện Tư Nghĩa, đều lấy chữ Tư làm đầu thay cho chữ Nghĩa: xã Nghĩa Thắng đổi thành xã Tư Mỹ; xã Nghĩa Lâm đổi thành xã Tư Phước; xã Nghĩa Thuận (ngày nay) đặt là xã Tư Thịnh; xã Nghĩa Điền đổi thành xã Tư Quang; xã Nghĩa Kỳ đổi thành xã Tư Thuận; xã Nghĩa Lộ đổi thành xã Tư Chánh; xã Nghĩa Trang đổi thành xã Tư Duy; xã Nghĩa Thương đổi thành xã Tư An; xã Nghĩa Phương đổi thành xã Tư Lương; xã Nghĩa Dõng đổi thành xã Tư Bình; xã Nghĩa Hiệp đổi thành xã Tư Hòa; xã Nghĩa Hòa đổi thành xã Tư Thành; xã Nghĩa Hà đổi thành xã Tư Nguyên; xã Nghĩa An (ngày nay) đặt là xã Tư Hiền. Thị xã Quảng Ngãi đổi đặt là xã Cẩm Thành (gồm 4 ấp: Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ, Thu Lộ). Cẩm Thành là tên gọi có từ xưa kia, có khi chỉ riêng cho thành, có khi chỉ chung cho toàn tỉnh Quảng Ngãi. Các thôn về cơ bản vẫn như thời kháng chiến chống Pháp nhưng đổi gọi là ấp.

Phía lực lượng kháng chiến vẫn gọi theo tên xã đã có thời kháng chiến chống Pháp. Tháng 5.1965, ở vùng kháng chiến, đơn vị thị xã Quảng Ngãi được thành lập, bao gồm thị tứ Cẩm Thành và các xã Nghĩa Điền, Nghĩa Dõng.

Sau giải phóng, cuối năm 1975, huyện Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi hợp nhất thành thị xã Quảng Nghĩa(3) trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Đến cuối năm 1981, thị xã Quảng Nghĩa lại tách thành 2 đơn vị huyện, thị xã như cũ và có điều chỉnh về địa giới: ba thôn của xã Nghĩa Điền giao về thị xã thành xã Quảng Phú; xã Nghĩa Dõng giao cho thị xã Quảng Ngãi (sau tách thành 2 xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng). Các xã mới dần dần hình thành và đến 2005 huyện Tư Nghĩa có 2 thị trấn, 16 xã (như đã kể trên).

Theo: địa chí Quảng Ngãi

ipv6 ready