Truy cập nội dung luôn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TƯ NGHĨA

Điều kiện tự nhiên,dân số
 

Về tự nhiên, huyện Tư Nghĩa nằm dọc từ bờ nam sông Trà Khúc đến bờ bắc sông Vệ, trải dài theo chiều đông - tây khoảng gần 30km, chiều bắc - nam đoạn giữa eo thắt, có nơi còn rất nhỏ như ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền. Địa hình chia làm hai vùng tây, đông, có Quốc lộ 1 cắt ngang ở giữa.

Địa hình Tư Nghĩa cao ở phía tây, thấp dần về phía đông, đại thể giống như các huyện đồng bằng khác trong tỉnh Quảng Ngãi, nhưng có phần phức tạp hơn.

Núi: Phía tây huyện có nhiều núi cao, nơi giáp các huyện Sơn Hà, Minh Long có ngọn Thạch Bích cao nhất. Ở đồng bằng phía đông có các núi thấp, trở thành những cảnh đẹp như núi Đá Đen, núi Đá Chẻ, núi Hùm, núi La Hà, núi Bàn Cờ, núi Thạch Sơn.

Sông suối: Trên địa bàn Tư Nghĩa có nhiều sông suối, sông Trà Khúc, sông Bàu Giang ở phía bắc và sông Vệ, sông Cây Bứa ở phía nam. Sông Trà Khúc chạy dọc phía bắc, ở điểm mút tây bắc huyện (thuộc xã Nghĩa Lâm) có công trình đầu mối Thạch Nham. Sông Trà Khúc chảy qua các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú và đổ ra cửa Đại Cổ Luỹ. Sông Vệ ở phía nam chảy dọc từ cầu sắt Hòa Vinh, xuống xã Nghĩa Mỹ, thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Hiệp, xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa An, hợp nước với sông Trà Khúc đổ ra cửa Cổ Luỹ. Sông Bàu Giang nhỏ, chảy dọc phía bắc xã Nghĩa Trung, thị trấn La Hà (làm ranh giới với thành phố Quảng Ngãi), xã Nghĩa Thương rồi hợp nước với sông Vệ. Phía nam có sông Cây Bứa chảy qua các xã Nghĩa Phương, Nghĩa Thương rồi hợp nước với sông Vệ. Ở phía tây huyện có nhiều suối lớn như suối Đá Sơn, suối Tó, cũng là những nguồn nước quan trọng.

Đồng bằng: Đồng bằng Tư Nghĩa màu mỡ nhờ có hệ thống sông suối với việc bồi đắp phù sa hằng năm, khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đất đai ở huyện Tư Nghĩa được chia làm 6 loại khác nhau: đất phù sa, đất bạc màu, đất nhiễm mặn, đất cát, đất xám, đất màu đỏ vàng.

Biển và bờ biển: Bờ biển Tư Nghĩa dài 6km từ nam cửa Cổ Lũy đến bắc cửa Lở, nhưng lại chiếm vị trí hết sức quan trọng vì có cửa Đại Cổ Luỹ ở phía bắc. Từ cửa Đại Cổ Luỹ đến cửa Lở có khúc sông Phú Thọ nước sâu thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu. Nhờ vậy, hoạt động đánh bắt hải sản của cư dân huyện Tư Nghĩa khá thuận lợi.

Khoáng sản: Địa bàn Tư Nghĩa có một số khoáng sản như kaolin, đất sét, đá chẻ ở nhiều nơi. Đặc biệt có suối khoáng Mỹ Thịnh ở xã Nghĩa Thuận, có thể khai thác. Suối khoáng này đời vua Minh Mạng đã được khảo sát, thời Pháp thuộc người Pháp tiếp tục nghiên cứu, nhưng đến nay chưa được sử dụng.

Khí hậu: Như các huyện ở đồng bằng Quảng Ngãi, khí hậu Tư Nghĩa khá ôn hòa. Vùng đông huyện khá mát mẻ về mùa hè nhờ có gió nồm từ biển thổi lên. Tuy vậy vùng phía tây huyện nhiều nơi có thế đất cao, vẫn có một số vùng xa sông thường bị hạn hán, vùng gần các sông thường phải chịu lũ lụt hằng năm. Tình hình sử dụng quỹ đất tính ở thời điểm 2005 ở Tư Nghĩa như sau: 1) Đất nông nghiệp 10.443,6ha (cây hàng năm 7.024,5ha); 2) Đất lâm nghiệp 3.133ha; 3) Đất chuyên dùng 2.333ha; 4) Đất khu dân cư 776ha; 5) Đất chưa sử dụng 6.044ha.

Về dân cư: Thuở xưa, Tư Nghĩa có lớp cư dân Chăm cổ cư trú rải rác trên địa bàn huyện. Kế đó là cư dân Việt, Hoa. Người Hoa đến cư trú chủ yếu ở Thu Xà (Nghĩa Hòa ngày nay), phần lớn là dân tỵ nạn vào các đời Minh, Thanh. Xét rộng ra thì trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, người Hoa cư trú ở Thu Xà đông nhất. Trải qua chiến tranh, Thu Xà bị tàn phá nặng, hầu hết người Hoa di chuyển đi nơi khác. Ở ven núi, tập trung tại các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ, dân tộc Hrê sinh sống với 1.980 người. Đại đa số cư dân Tư Nghĩa là người Việt. Người Việt đến định cư ở Tư Nghĩa cách nay năm, sáu trăm năm, làm nhiều nghề để sinh sống và tạo lập được nhiều giá trị văn hóa. Tư Nghĩa có mật độ dân số cao nhất trong các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi. Trừ thành phố Quảng Ngãi là trung tâm của tỉnh, huyện Lý Sơn là huyện hải đảo, thì Tư Nghĩa có mật độ dân số cao nhất tỉnh Quảng Ngãi (796,2 người/km2).


Tình hình phân bố dân cư Tư Nghĩa tại thời điểm 2005 ở các xã, thị trấn như sau(4):


Có thể thấy, trừ các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ ở vùng núi (hai xã toàn đồng bào người Hrê), các xã còn lại đều có mật độ dân số rất cao, có 12 xã, thị trấn mật độ từ trên 1.000 người/km2, thị trấn Sông Vệ (chủ yếu sinh sống bằng công - thương nghiệp) và xã Nghĩa An (vùng ven biển) cao vượt trội, lên trên 3.000 và 5.000 người/km2.

 Nhân dân Tư Nghĩa có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tỉnh Quảng Ngãi. Trong phong trào Tây Sơn, có các ông Cao Tắc Trung, Triệu Đình Mẫn, Bùi Phú Vinh cùng nhiều người khác tham gia phong trào. Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ở Tư Nghĩa đã sản sinh ra những tấm gương sáng về tinh thần xả thân vì nước. Trong phong trào Cần vương có Nguyễn Duy Cung làng Vạn Tượng (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi) là một chí sĩ đã hy sinh lẫm liệt tại thành Bình Định và để lại bức Huyết lệ tâm thư xúc động sâu sắc lòng người. Sau cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan thất bại, Thái Thú (người làng Thu Xà) trở thành một thủ lĩnh Cần vương của tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 8.12 năm Giáp Ngọ 1894, Thái Thú chỉ huy nghĩa quân diệt đồn Cổ Luỹ, giết tên chủ sự Pháp Râyna (Reynard), kéo lên phối hợp với quân của Nguyễn Vịnh đánh thành Quảng Ngãi, nhưng bị lộ, rút vào An Đại, sau bị bắt và lẫm liệt hy sinh. Phong trào Duy tân Quảng Ngãi nổi lên đầu thế kỷ XX với sự tham gia lãnh đạo tích cực của những người con huyện Tư Nghĩa, như các ông Phạm Cao Chẩm (Xuân Phổ), Nguyễn Thuỵ (Hổ Tiếu), Từ Hữu Lập (Xuân Phổ)... Trong phong trào "cự sưu khất thuế" nổi tiếng ở Quảng Ngãi năm 1908, hàng loạt người con của Tư Nghĩa bị địch sát hại hoặc đày đi Côn Đảo như Nguyễn Thuỵ, Phạm Cao Chẩm. Sau khi mãn tù, các ông vừa về quê đã tham gia lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội. Nguyễn Thuỵ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa năm 1916, Phạm Cao Chẩm bị bắt đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Tại Côn Đảo, Phạm Cao Chẩm đã cùng con trai của Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Trọng Thưởng lãnh đạo tù nhân đứng dậy chiếm đảo nhưng bất thành, ông hy sinh năm 1918. Trong số các thủ lĩnh Việt Nam Quang phục Hội hy sinh còn có Phạm Cao Đài, cháu Phạm Cao Chẩm.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930 - 1945), Tư Nghĩa nổi bật ở việc huấn luyện dân quân và tiếp tế cho Đội Du kích Ba Tơ, chiến thắng Xuân Phổ (Nghĩa Kỳ) đánh quân Nhật càn quét ngày 16.8.1945.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945 - 1954), Tư Nghĩa giữ vững địa bàn, cả ở hai mặt xung yếu là miền núi và miền biển trong huyện, đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tư Nghĩa đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến. Tháng 3.1965, các xã phía đông huyện được giải phóng, vùng lõm phía đông liên thông với vùng giải phóng đông Mộ Đức được xây dựng; năm 1968, quân giải phóng diệt căn cứ hải thuyền địch tại xã Nghĩa An. Ngày 24.3.1975, Tư Nghĩa được hoàn toàn giải phóng.

Đơn vị huyện Tư Nghĩa cùng 15 xã, thị trấn, 2 tập thể của huyện và hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Tư Nghĩa có 221 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng(6).

Trong lịch sử, Tư Nghĩa có những nhân vật đáng chú ý như các ông Nguyễn Thuỵ (người làng Hổ Tiếu), Thái Thú, Phạm Cao Chẩm, Phạm Cao Đài, Nguyễn Năng Lự, Từ Hữu Lập, Từ Ty, Bùi Phụ Thiệu... Chiến sĩ cách mạng hiện đại nổi bật có Trần Kiên, từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.     

Tư Nghĩa nằm ở vùng trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, có vùng núi, đồng bằng, có biển và cửa biển, có Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua, là những điều kiện thuận lợi để có thể phát triển kinh tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Cho đến năm 2003, cơ cấu kinh tế của Tư Nghĩa đã có chuyển dịch tích cực. Ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 73,4% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 14,3% và thương mại - dịch vụ chiếm 12,3% tổng giá trị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9%/năm. Năm 2004, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản là 596 tỉ đồng, năm 2005 đạt 681,1 tỉ đồng (theo giá hiện hành); trong đó trọng yếu là nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp không thật đáng kể. Năm 2005, Tư Nghĩa có nguồn lao động 99.858 người, trong đó có 60.836 người làm việc ở ngành nông lâm nghiệp, 10.069 người làm việc ở ngành công nghiệp và xây dựng, 11.030 người làm ở lĩnh vực dịch vụ (phần nhiều là giáo viên, cán bộ y tế và quản lý nhà nước).

Nông nghiệp

Nông nghiệp cổ truyền ở Tư Nghĩa có nhiều thành tựu nổi bật. Người dân ở Tư Nghĩa xưa giỏi trồng lúa, mía, cũng như giỏi chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt. Nhờ đất đai màu mỡ ở dọc các sông, suối, từ xưa Tư Nghĩa đã là một vùng trọng điểm nông nghiệp của Quảng Ngãi. Bước sang thời hiện đại, nông nghiệp có những chuyển biến tích cực. Năm 2005 vẫn còn có hơn 60% số lao động trong huyện sống bằng nghề nông. Tuy cây lúa không phải chiếm ưu thế tuyệt đối trong huyện, nhưng nhờ thâm canh tăng năng suất nên đến năm 2005, Tư Nghĩa đã sản xuất được 58.393 tấn lương thực có hạt, bình quân lương thực đầu người ở huyện có mật độ dân số cao này đã đạt 323kg/năm, thấp nhất là xã Nghĩa An làm nghề cá, không có đất sản xuất lương thực, xã Nghĩa Phú 51kg, hai thị trấn La Hà và Sông Vệ đều dưới 200kg, các xã khác đều trên 300kg, các xã cao nhất là Nghĩa Thương (588kg), Nghĩa Thọ (549kg). Sau cây lúa, ngô cũng là cây lương thực quan trọng, chiếm trên 1/10 tổng sản lượng lương thực của huyện. Tư Nghĩa cũng là huyện trồng nhiều mía. Mía ở Xuân Phổ là vùng bãi bồi ven sông Trà Khúc đặc biệt tươi tốt, dân trong vùng thường đánh bắt chim mía nên ngạn ngữ có câu "Chim mía Xuân Phổ". Bên cạnh lúa, mía, khoai, sắn, người Tư Nghĩa đặc biệt giỏi làm vườn, nổi tiếng về nghề trồng rau, trồng hoa, cây cảnh như ở các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà.


Thống kê một số cây trồng chính năm 2005(7)

 



 
Với một diện tích canh tác nhỏ hẹp, cư dân Tư Nghĩa đã phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Làng rau, hoa và cây cảnh ở xã Nghĩa Hiệp đã phát triển mạnh theo hướng đó. Rau quả và hoa kiểng ở xã Nghĩa Hiệp đã bán đi trong khắp tỉnh Quảng Ngãi.     

Một hướng phát triển nông nghiệp quan trọng ở Tư Nghĩa là chăn nuôi. Năm 2005, Tư Nghĩa có đàn lợn 84.701 con, đàn trâu 2.931 con, đàn bò 23.365 con. Số lượng trâu bò nhiều nhất là ở các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hà, Nghĩa Thuận, thấp nhất là các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Mỹ (không chuyên nông nghiệp). Các xã toàn dân tộc Hrê là Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ có số trâu tương đối khá (hai xã có 710 con trâu), nhưng số lượng bò nuôi lại quá ít ỏi (trên dưới 100 con mỗi xã), điều này liên quan đến tập quán của người Hrê quen nuôi trâu hơn nuôi bò. Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ là vùng núi, nhiều cỏ, nếu khắc phục được tập quán, nghề chăn nuôi trâu bò sẽ phát triển mạnh nhờ điều kiện tự nhiên. Số lượng chăn nuôi lợn nhiều nhất là ở các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung (đều từ 8.000 con trở lên), thấp nhất là các xã Nghĩa Sơn (50 con), Nghĩa Thọ (67 con).

Một trong những điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở địa hạt Tư Nghĩa là việc làm thuỷ lợi. Xưa kia, trong công tác thuỷ lợi, ngoài những công cụ tưới nước thông dụng, người dân Tư Nghĩa có nhiều xe nước trên sông Trà Khúc và sông Vệ. Thuở xưa có đào kênh Vĩnh Lợi lấy nước sông Vệ tưới cho các cánh đồng phía nam của huyện. Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhiều công trình thuỷ lợi lớn được đào đắp, như kênh Tư Nghĩa nối sông Trà Khúc với sông Bàu Giang, đập La Hà. Thời hiện đại nổi bật nhất là công trình thuỷ lợi Thạch Nham với đầu mối và kênh chính nam ở cực tây huyện, không chỉ cung cấp nước cho huyện Tư Nghĩa mà còn các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi.

Ngư nghiệp

Nghề đánh cá là một hoạt động kinh tế quan trọng đối với cư dân ven biển ở phía đông Tư Nghĩa từ rất lâu đời. Nhờ có sông, biển, cư dân ở đây đã đánh bắt hải sản, cung cấp nguồn thực phẩm biển cho tỉnh lỵ Quảng Ngãi và nhiều nơi khác trong tỉnh. Trong vùng nước lợ thì cào nhũi don, bắt cá bống trên hạ lưu các sông Trà Khúc, sông Vệ để chế biến những món ăn đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi. Don Hiền Lương xã Nghĩa Hà nổi tiếng thơm ngon. Ở phía tây huyện vùng có nhiều sông, suối có cá niêng, cá chình cũng là những đặc sản nổi tiếng. Cho đến nay, đánh bắt vẫn là ngành chính trong ngư nghiệp, tập trung chỉ ở hai xã ven biển Nghĩa An, Nghĩa Phú. Đó là hai xã duy nhất trong tổng số 18 xã, thị trấn của toàn huyện có nghề đánh bắt hải sản. Tuy vậy, Tư Nghĩa có tổng cộng 720 chiếc tàu đánh cá với tổng công suất 31.500CV, sản lượng đánh bắt được trên 17.850 tấn hải sản (năm 2005), đứng thứ hai trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, chỉ sau huyện Đức Phổ (gần 31.640 tấn). Nếu đem so với 6 năm trước (1999) thì số tàu tăng 1/3 và sản lượng tăng gần gấp đôi. Việc nuôi trồng thuỷ sản tuy có nhưng không nhiều vì không có diện tích lớn (khoảng 154ha năm 2005), kỹ thuật chưa đảm bảo nên sản lượng chưa thật đáng kể. Tuy vậy, kinh tế thuỷ sản vẫn là một mũi nhọn của Tư Nghĩa và giữ một vai trò quan trọng trong ngành thuỷ sản của tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Nghề tiểu thủ công nghiệp ở Tư Nghĩa xưa nay có nhiều điểm đáng chú ý. Điểm nổi bật nhất là ở Tư Nghĩa đã có nhiều làng nghề cổ truyền nổi tiếng trong tỉnh Quảng Ngãi. Nghề gốm thì có Xóm Gốm sản xuất gốm, gạch ngói ở thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Mỹ bán đi nhiều nơi trong tỉnh. Ngói Sông Vệ từ lâu là một thương hiệu nổi tiếng. Ở Nghĩa Hiệp, ngoài nghề làm vườn giỏi, còn là nơi nổi tiếng với các tốp thợ mộc chuyên đóng các đồ gia dụng với tay nghề cao, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm đẹp xưa nay. Ở Nghĩa Hòa nổi bật nghề đan chiếu cói, là nơi sản xuất chiếu nổi danh trong tỉnh Quảng Ngãi. Ở thị trấn Thu Xà xưa là nơi xuất phát các món ăn đặc sản nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi như kẹo gương, đường phèn, đường phổi. Ở gần biển thì có đặc sản don là một món ăn chế biến từ con don sống ở vùng nước lợ. Thuở xưa, xưởng tàu của nhà nước phong kiến đóng ở Xuân Quang và Phú Thọ, chứng tỏ người dân ở đây cũng rất giỏi nghề đóng tàu thuyền bằng gỗ. Đó là chưa kể đến các nghề thủ công phổ biến khác. Bước sang thời kỳ hiện đại, tiểu thủ công nghiệp ở Tư Nghĩa có sự kế thừa và phát triển. Bên cạnh các nghề cổ truyền vẫn tiếp tục duy trì, tồn tại trong điều kiện mới, ở Tư Nghĩa còn có sự phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp mới, như nghề làm dây bố xe ở xã Nghĩa Hòa, sản xuất vật liệu xây dựng đá, cát, sỏi. Ở thị trấn La Hà có các cơ sở chế biến gỗ theo lối sản xuất công nghiệp. La Hà là nơi đang quy hoạch cụm công nghiệp của huyện. Năm 2005, huyện Tư Nghĩa có 2.401 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể với 5.864 lao động, nhiều nhất là xã Nghĩa Hòa 518 cơ sở với 1.138 lao động, xã Nghĩa Hà 288 cơ sở với 658 lao động, xã Nghĩa Mỹ 159 cơ sở với 603 lao động. Tuyệt đại đa số cơ sở và lao động nói trên nằm trong ngành công nghiệp chế biến, trong đó đáng kể nhất là chế biến thực phẩm và đồ uống, gỗ và lâm sản, sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại.

Thương mại - dịch vụ

Với một vị trí địa lý khá thuận lợi, việc giao thương, dịch vụ ở huyện Tư Nghĩa đã có sự phát triển từ xa xưa. Dân vùng đồng bằng thì đi buôn gánh, buôn núi, dân vùng biển thì đi buôn ghe bầu vào Nam ra Bắc. Khúc sông Phú Thọ xưa kia có bến đỗ thường xuyên của thương thuyền nhà Thanh, là nơi buôn bán rất tấp nập của tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài chợ tỉnh (xưa thuộc địa bàn huyện Tư Nghĩa), ở Tư Nghĩa có trung tâm buôn bán rất quan trọng là Thu Xà, nơi có đường thuỷ thông ra cửa biển Cổ Luỹ, vốn được xác định là cửa biển chính của tỉnh Quảng Ngãi thuở trước. Đường Thiên Lý Bắc - Nam chạy qua huyện từ đò Trà Khúc đến trạm Nghĩa Mỹ cũng tạo ra nghề buôn bán, làm dịch vụ. Ở thị trấn Sông Vệ xưa có chợ Trạm (chợ Điếm), vì ở đây có điếm trạm thời phong kiến, chuyên lo việc chạy giấy tờ, công văn. Việc buôn bán lên vùng cao, xuống biển cũng có chiều thuận lợi khi người buôn xuôi ngược trên sông Trà Khúc và sông Vệ. Ở cảng Cổ Luỹ, thời Pháp thuộc có đặt sở Thương chánh để thu thuế. Trên địa bàn các làng xã đều có chợ. Thời nay, việc buôn bán ngày càng thịnh đạt. Có thể nói tại các thị trấn, thị tứ là trung tâm buôn bán, dịch vụ, có thể kể thị trấn Sông Vệ, thị trấn La Hà, chợ Thu Xà, chợ Phú Thọ, chợ Nghĩa Kỳ, chợ Cây Bứa... Điều đáng tiếc là Tư Nghĩa có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa nhưng hầu như chưa được khai thác và một vài thắng cảnh có phần đã phôi pha. Thắng cảnh La Hà thạch trận đã thành phế tích. Các di tích và thắng cảnh quý giá như núi Phú Thọ, Cổ Luỹ cô thôn, suối Mơ, cấm Ông Nghè, chùa Ông Thu Xà... hầu như chưa được khai thác cho du lịch văn hóa. Năm 2005, địa hạt Tư Nghĩa có 4.403 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ cá thể với 5.705 lao động, nhiều nhất ở xã Nghĩa Kỳ 642 cơ sở với 771 lao động, thị trấn Sông Vệ 561 cơ sở với 713 lao động, thị trấn La Hà 402 cơ sở với 564 lao động; trong số đó hơn phân nửa là hiệu bán lẻ và lao động bán hàng; đáng kể là bán cà phê, giải khát.

Cơ sở hạ tầng

Về đường sá: Xưa kia, thời đường bộ chưa thật tốt, đường sắt chưa có, thì đường thủy trên các sông Trà Khúc, sông Vệ là khá quan trọng đối với Tư Nghĩa trong việc giao thông, vận tải vào sâu trong nội địa, lên miền núi; đường thủy trên biển phục vụ tốt cho việc đi lại, buôn bán đường dài, ra Bắc vào Nam. Từ sau ngày Quốc lộ 1 thông thuận, các cầu được xây dựng, thì giao thông đường bộ chiếm vị trí quan trọng hàng đầu.

Quốc lộ 1 cắt ngang giữa huyện, từ Bàu Giang đến thị trấn Sông Vệ là trục đường quan trọng nhất. Thị trấn La Hà, nơi đặt huyện lỵ Tư Nghĩa nằm ngay trên Quốc lộ 1. Nhưng các đường dẫn về vùng phía đông và vùng phía tây Tư Nghĩa đều xuất phát từ thành phố Quảng Ngãi. Ngay cả ở trung tâm huyện, để đến vùng đông hay vùng tây huyện, thuận tiện nhất là băng qua thành phố Quảng Ngãi. Từ thành phố Quảng Ngãi có tỉnh lộ 625 trực chỉ lên các xã phía tây huyện nối với công trình đầu mối Thạch Nham dài 24km, có tỉnh lộ 626 xuôi về các xã phía đông huyện đi Thu Xà và Phú Thọ, từ 10 đến 12km. Các trục đường liên huyện: đi Nghĩa Hành có 2 tuyến: La Hà - Nghĩa Trung - Nghĩa Hành, Sông Vệ - Nghĩa Mỹ - Hành Thiện. Tất cả đều đã trải nhựa và cũng trở thành trục chính theo hướng đông - tây. Đường sá trong huyện cũng khá tốt. Các cầu cống trên Quốc lộ 1 như cầu Sông Vệ, cầu Cây Bứa đã được xây dựng lại vững chắc. Cầu bắc qua xã Nghĩa An lần đầu tiên được xây dựng nối Phú Thọ với Cổ Luỹ cô thôn, tuy chỉ là cầu hẹp nhưng đã khắc phục được tình trạng bao đời bị cô lập bởi sông nước.

Đường sắt chạy qua huyện Tư Nghĩa một đoạn ngắn. Đường thuỷ chủ yếu là trên sông Trà Khúc, sông Vệ và cửa biển Cổ Luỹ. Mặc dù ngày nay đường thủy đã kém quan trọng hơn xưa rất nhiều, nhưng vẫn không thể thiếu trong dân sinh. Người dân nhiều trường hợp dùng ghe đi lại, chuyên chở giữa các làng xã, từ Cổ Lũy thì dùng ghe đi buôn bán với đảo Lý Sơn. Đường thủy vẫn có tầm quan trọng nhất định của nó.

Điện lực chỉ thực sự xuất hiện từ sau 1975 với mạng lưới điện quốc gia và tuyệt đại đa số dân cư đã dùng điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Về thông tin liên lạc, thời phong kiến, trên địa hạt huyện Tư Nghĩa có dịch trạm Đông Mỹ, sau đổi là Nghĩa Mỹ (nay thuộc xã Nghĩa Mỹ) phục vụ việc chuyển đệ thư từ, công văn. Thời Pháp thuộc, có bưu điện đặt ở Thu Xà, là một trong hai sở bưu điện trên đất Quảng Ngãi. Ngày nay, mạng lưới thông tin liên lạc ở Tư Nghĩa khá hoàn chỉnh với các loại thông tin hiện đại. Tại huyện lỵ có Bưu cục trung tâm. Trên địa bàn huyện có 4 tổng đài điện thoại với tổng dung lượng 8.900 số; có 3 bưu cục: Bưu cục Cổ Luỹ, Bưu cục Sông Vệ, Bưu cục Thu Xà; có 14 xã có bưu điện văn hóa xã; có các trạm viễn thông ở Cổ Luỹ, La Hà, Nghĩa Lâm, Sông Vệ. Số máy điện thoại tăng nhanh, lên 9.750 máy (năm 2005), gấp trên 11 lần so với năm 1996 (876 máy).

Các cơ sở hạ tầng khác như thuỷ lợi, trường học... được xây dựng khá tốt.
         

Địa hạt huyện Tư Nghĩa có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đáng chú ý. Ở miền biển (các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú) có lễ hội ra quân đầu năm của ngư dân. Cư dân nông, ngư nghiệp có nhiều ca dao, tục ngữ, câu hò, điệu hát. Trên địa hạt huyện Tư Nghĩa có nhiều di tích và thắng cảnh quý giá như di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ông Thu Xà, thắng cảnh núi Phú Thọ và Cổ Luỹ cô thôn (đã được xếp hạng Di tích Quốc gia), cấm Ông Nghè, chiến thắng Xuân Phổ, căn cứ Hòn Ngang, Bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp, di tích vụ thảm sát thôn 2 Nghĩa Lâm, Hố Hầm, di tích Sở Thương chánh, La Hà thạch trận, Núi Giàng và miếu thờ công thần, chùa Bà Chú, Suối Mơ, chiến thắng Nghĩa An (đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh). Ở Tư Nghĩa còn có nhiều kiến trúc, nhà ở cổ truyền của người Việt khá độc đáo.

Văn hóa mới ở Tư Nghĩa hình thành từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Trải thời gian, từ sau năm 1975 đã có những thành tựu khá nổi bật. Ở thị trấn huyện lỵ có Nhà văn hóa huyện và các xã thôn có khu sinh hoạt văn hóa - thể thao. Địa hạt huyện Tư Nghĩa ngày nay có đài truyền thanh huyện, các xã có đài truyền thanh xã. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển khá tốt, xã Nghĩa Lâm được chọn là xã văn hóa điểm duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Công tác điều tra, lập hồ sơ xếp hạng di tích và công tác giáo dục truyền thống được chú trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển tốt.

Về giáo dục, thời phong kiến Nho học ở địa hạt Tư Nghĩa khá phát triển với trung tâm là vùng tỉnh thành Quảng Ngãi, trong đó nổi bật là xã Chánh Mông (Chánh Lộ) với số lượng người đỗ đạt cao nhất trong tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có người trở thành danh sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Duy Cung (làng Vạn Tượng) nay thuộc thành phố Quảng Ngãi, Nguyễn Thuỵ (làng Hổ Tiếu), dịch giả Nguyễn Tạo (làng Xuân Phổ). Trong thời kỳ Tân học, nhiều người dân huyện Tư Nghĩa đỗ đạt. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nền giáo dục cách mạng được xác lập, việc học phổ cập trong toàn dân, nhiều người quê Tư Nghĩa đã thành đạt trên đường học vấn, học thuật, như Giáo sư, Tiến sĩ Phương Lựu (quê làng Vạn An, xã Nghĩa Thương) là một nhà lý luận hàng đầu trong lĩnh vực văn học Việt Nam hiện đại. Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa ngày nay có Trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán của Bộ Tài chính (tại thị trấn La Hà), Trường Công nhân Cơ giới Thủy lợi II của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại xã Nghĩa Kỳ), có hệ thống trường lớp phổ thông khá hoàn chỉnh. Ở huyện có 4 trường Trung học phổ thông, trong đó có 2 trường ở thị trấn huyện lỵ (trường số 1, trường bán công Chu Văn An), 1 trường ở xã Nghĩa Thuận cho các xã phía tây, 1 trường ở xã Nghĩa Hòa (Thu Xà) cho các xã phía đông. Năm 2005, ở cấp học do huyện quản lý có: 1) Mẫu giáo 28 trường, 183 lớp, 2002 giáo viên, 4.589 học sinh; 2) Tiểu học có 28 trường, 467 lớp, 630 giáo viên, 16.098 học sinh; 3) Trung học cơ sở có 15 trường, 359 lớp, 628 giáo viên, 16.004 học sinh.

Về y tế, huyện có trung tâm y tế huyện (đặt ở thị trấn La Hà), 2 phòng khám khu vực, 1 đội vệ sinh phòng dịch và 18 trạm y tế ở 18 xã, thị trấn. Tổng số giường bệnh là 240 giường (trong đó bệnh viện huyện 110 giường). Tổng số cán bộ ngành y là 172 người, trong đó có 31 bác sĩ. Tổng số cán bộ ngành dược có 6 người, trong đó có 2 dược sĩ đại học. Tất cả các trạm y tế xã, thị trấn trong huyện đều đã có bác sĩ. Địa bàn Tư Nghĩa nằm sát bên tỉnh lỵ Quảng Ngãi, nhờ vậy việc khám và chữa bệnh khá thuận tiện. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được thực hiện khá tốt với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm là 1,4%.

Về xã hội, vấn đề nhân lực lao động là vấn đề khá cấp bách ở địa hạt Tư Nghĩa, tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm do bình quân ruộng đất ít ỏi khá phổ biến, do vậy đã có nhiều người đi làm ăn ở nơi xa. Việc giải quyết vấn đề lao động tại chỗ cũng được chú ý với chính sách giải quyết việc làm, số hộ nghèo trong huyện giảm xuống còn khoảng 10% (theo chuẩn cũ). Các tệ nạn xã hội nhìn chung không nhiều.

Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi xã hội ở huyện Tư Nghĩa khá đông và được chăm lo giải quyết, trong đó lớn nhất là số lượng thương bệnh binh trên 2.000 người,  3.666 gia đình liệt sĩ.

 Về hành chính, hai chữ Tư Nghĩa bắt nguồn từ tên hai châu Tư, Nghĩa xuất hiện từ đời nhà Hồ, chỉ chung cho vùng đất sau này là toàn tỉnh Quảng Ngãi, tức ngay khi đất Cổ Luỹ Động của Chiêm Thành chuyển thành một bộ phận của nhà nước phong kiến Đại Ngu năm 1402. Hai châu Tư, Nghĩa lúc này thuộc lộ Thăng Hoa, trong đó có vùng đất huyện Tư Nghĩa ngày nay.

Đời Lê, khi vua Lê Thánh Tông thiết lập thừa tuyên Quảng Nam năm 1471, đặt 3 phủ là Thăng Hoa (tương đương với tỉnh Quảng Nam ngày nay), Tư Nghĩa (tương đương với tỉnh Quảng Ngãi ngày nay), Hoài Nhơn (tương đương với tỉnh Bình Định ngày nay), thì địa bàn huyện Tư Nghĩa (ngày nay) nằm trong phủ Tư Nghĩa, với tên gọi là huyện Nghĩa Giang.

Từ đời Lê Trung hưng đến đời Nguyễn, địa bàn huyện Tư Nghĩa ngày nay mang tên là huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, bao gồm cả phần đất phía tây bắc sông Vệ của huyện Nghĩa Hành ngày nay.

Năm 1890 (Thành Thái năm thứ 2), huyện Chương Nghĩa đổi thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời vùng đất phía tây bắc sông Vệ hình thành châu Nghĩa Hành (chữ Nghĩa trong địa danh Nghĩa Hành chính là lấy từ chữ Tư Nghĩa). Phủ Tư Nghĩa lúc này có 5 tổng với 67 xã thôn, bao gồm cả vùng đất ngày nay là thành phố Quảng Ngãi.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong một thời gian ngắn phủ Tư Nghĩa đổi tên là phủ Nguyễn Thuỵ (tên nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Ngãi(2)). Đầu 1946, cấp tổng được bãi bỏ, các làng xã cũ hợp thành xã mới, phủ đổi thành huyện. Huyện Tư Nghĩa lúc này có 12 xã đều lấy chữ Nghĩa làm đầu: Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Trang, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà.

Sau khi tiếp quản tỉnh Quảng Ngãi, cho đến giữa năm 1958, chính quyền Sài Gòn đổi đặt các xã trong huyện Tư Nghĩa, đều lấy chữ Tư làm đầu thay cho chữ Nghĩa: xã Nghĩa Thắng đổi thành xã Tư Mỹ; xã Nghĩa Lâm đổi thành xã Tư Phước; xã Nghĩa Thuận (ngày nay) đặt là xã Tư Thịnh; xã Nghĩa Điền đổi thành xã Tư Quang; xã Nghĩa Kỳ đổi thành xã Tư Thuận; xã Nghĩa Lộ đổi thành xã Tư Chánh; xã Nghĩa Trang đổi thành xã Tư Duy; xã Nghĩa Thương đổi thành xã Tư An; xã Nghĩa Phương đổi thành xã Tư Lương; xã Nghĩa Dõng đổi thành xã Tư Bình; xã Nghĩa Hiệp đổi thành xã Tư Hòa; xã Nghĩa Hòa đổi thành xã Tư Thành; xã Nghĩa Hà đổi thành xã Tư Nguyên; xã Nghĩa An (ngày nay) đặt là xã Tư Hiền. Thị xã Quảng Ngãi đổi đặt là xã Cẩm Thành (gồm 4 ấp: Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ, Thu Lộ). Cẩm Thành là tên gọi có từ xưa kia, có khi chỉ riêng cho thành, có khi chỉ chung cho toàn tỉnh Quảng Ngãi. Các thôn về cơ bản vẫn như thời kháng chiến chống Pháp nhưng đổi gọi là ấp.

Phía lực lượng kháng chiến vẫn gọi theo tên xã đã có thời kháng chiến chống Pháp. Tháng 5.1965, ở vùng kháng chiến, đơn vị thị xã Quảng Ngãi được thành lập, bao gồm thị tứ Cẩm Thành và các xã Nghĩa Điền, Nghĩa Dõng.

Sau giải phóng, cuối năm 1975, huyện Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi hợp nhất thành thị xã Quảng Nghĩa(3) trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Đến cuối năm 1981, thị xã Quảng Nghĩa lại tách thành 2 đơn vị huyện, thị xã như cũ và có điều chỉnh về địa giới: ba thôn của xã Nghĩa Điền giao về thị xã thành xã Quảng Phú; xã Nghĩa Dõng giao cho thị xã Quảng Ngãi (sau tách thành 2 xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng). Các xã mới dần dần hình thành và đến 2005 huyện Tư Nghĩa có 2 thị trấn, 16 xã (như đã kể trên).

Theo: địa chí Quảng Ngãi

ipv6 ready